Thí sinh thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Vân Anh. Triển khai hướng dẫn chấm
Điều quan trọng đầu tiên, theo cô Nguyễn Thị Diệu Hiền là tổ trưởng triển khai hướng dẫn chấm phải rõ ràng, lường trước bao quát được nhiều tình huống để tạo quy chuẩn chung hợp lý.
Khi chọn những bài để chấm chung cũng cần bao quát mức độ dung lượng làm bài khác nhau, có bài viết 1 tờ, có bài nhiều tờ để đo được các mức điểm và dự kiến những tình huống, form trình bày, diễn đạt tương đương của học sinh; từ đó có sự thống nhất trong Hội đồng chấm.
Ngôn từ trong đáp án chỉ là một hướng diễn giảiLưu ý thứ hai, cô Nguyễn Thị Diệu Hiền cho rằng, giám khảo cần hiểu rõ ngôn từ trong đáp án chỉ là một hướng diễn giải, không nên nắm bắt lời lẽ cụ thể mà cần nhìn trúng trọng tâm, cốt tủy của ý, tránh việc tìm từ ngữ giống hệt đáp án mới cho điểm.
Thường ở phần đọc hiểu ở câu hỏi 3 (mức độ thông hiểu), trong đáp án diễn đạt của đáp án có những từ ngữ trọng tâm, gọi là từ “chìa khóa”. Giám khảo cần xác định để ghi nhận cách dùng từ đồng nghĩa với từ trong đáp án, diễn đạt ý tương đương thể hiện được cái lõi của đáp án để ghi nhận câu trả lời của học sinh. Nếu nhìn nhận tổng thể diễn đạt sẽ dễ mất điểm của học sinh.
Chấm sát đáp án nhưng cũng bảo đảm tính linh hoạtLưu ý thứ ba, người chấm vừa cần nắm kỹ, nhớ đáp án, chấm sát đáp án nhưng cũng vừa linh hoạt ở cả chi tiết và cụ thể, cân đối toàn bài thi để đảm bảo quyền lợi cho từng học sinh và sự công bằng giữa các thí sinh.
Việc chấm thi chuẩn xác không chủ yếu nằm ở việc nhanh hay chậm, chấm chậm chưa chắc đã chuẩn, chấm nhanh không đồng nghĩa với ẩu.
Trong bài thi môn Ngữ văn, phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học cần đòi hỏi cao sự vận dụng linh hoạt của đáp án. Từ kinh nghiệm bản thân, cô Nguyễn Thị Diệu Hiền nhận thấy có thể theo 2 cách và dùng 2 cách để soi chiếu, kiểm chững lẫn nhau tạo thành 2 lần chấm của mình, tránh đếm ý để chấm.
Lần 1 áng điểm theo các tiêu chí, đề mục chính (luận điểm) trong phiếu chấm. Ví dụ, câu nghị luận xã hội: đảm bảo hình thức đoạn văn - 0,25/0,25 điểm; xác định đúng vấn đề nghị luận - 0,25/0,25 điểm; triển khai các ý theo từng mức độ: chắc chắn toàn diện hay chưa, có dẫn chứng ko để từ đó xác định mức điểm phù hợp,…).
Lần 2 chấm theo tìm điểm thiếu để trừ, cộng điểm sáng tạo, đảm bảo chuẩn chính tả nếu đảm bảo; …
Thực tế cho thấy chấm tự luận, bản thân mỗi giáo viên hay đắn đo cao thấp trong khoảng 0,25 điểm ở mỗi phần. Vì vậy khi chấm giám khảo vừa tuân thủ theo quy định chấm thi tự luận, những cũng vừa có sự trao đổi giữa 2 giám khảo khi thống nhất để nghiêng về phần có lợi cho học sinh.
Trân trọng sự sáng tạo của học sinhCuối cùng, cô Nguyễn Thị Diệu Hiền cho rằng, cần phải biết trân trọng, ghi nhận quan điểm, sự sáng tạo riêng của học sinh. Thực chất đây là thái độ ứng xử đúng đắn của giám khảo với bài làm của học sinh, trong bài thi tốt nghiệp THPT là điều rất cần thiết.
Sáng tạo trong văn chương là vô tận, sự sáng tạo trong bài làm văn của học sinh thể hiện ở nhiều dáng vẻ khác nhau. Sáng tạo riêng chính là những nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện không có trong đáp án, nói cách khác, nó vượt ra ngoài khuôn khổ, nằm ngoài nội dung của đáp án, nó là sản phẩm trí tuệ của riêng cá nhân học sinh.
Trong bài thi của học sinh thì việc ghi nhận sự sáng tạo của các em được thể hiện qua cách chấm và điểm số.
Theo cô Nguyễn Thị Diệu Hiền, để ghi nhận thì trước hết phải phát hiện sự sáng tạo - khó nhất có lẽ là ở khâu này. Trước bài viết của học sinh, trong một thời gian ngắn, không phải bất cứ giáo viên nào cũng có thể làm tốt việc đó. Vấn đề còn tùy thuộc vào trình độ thẩm văn, kinh nghiệm sư phạm và ít nhiều nằm ở tình cảm, thiện cảm của người chấm trước mỗi bài làm cụ thể.
Xem đáp án, thang điểm bài Ngữ văn và các môn thi trắc nghiệm, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 TẠI ĐÂY